Tài nguyên nước

Công tác quản lý về tài nguyên nước trên địa bản tỉnh Bình Thuận

09:54, 21/10/2022
Tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

* Về tài nguyên nước mặt:

Bình Thuận có 07 lưu vực sông chính (Sông Lòng Sông, sông Lũy, sông Cái Phan Thiết, sông Cà Ty, sông Phan, Sông Dinh và sông La Ngà), có 74 sông cấp 1 và cấp 2; ngoài ra còn có một số sông độc lập như: Sông Cô Kiều và sông Nước mặn. Tổng chiều dài các sông trên địa bàn của tỉnh khoảng 1.977 km; trong đó các sông chính có chiều dài khoảng 665 km chiếm 34% so với tổng chiều dài các sông của tỉnh.

 
1
Đoạn sông Cà Ty chảy qua thành phố Phan Thiết  (Ảnh baobinhthuan)

Nguồn nước mặt của tỉnh chủ yếu tập trung bởi 7 lưu vực sông chính được phân bố đều ở các địa phương nhưng lượng nước phân bố không đều theo không gian và thời gian. Mùa khô kéo dài từ 6-7 tháng với lượng mưa chỉ chiếm 10-15%, mùa mưa có 5-6 tháng nhưng lượng nước chiếm tới 85-90% tổng lượng mưa. Sự phân bố bất lợi này thường xuyên gây ra hạn hán khắc nghiệt trong mùa khô và lũ lụt ngập úng trong mùa mưa. Những năm gần đây các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn biến ngày càng bất thường, nền nhiệt độ không khí có xu hướng tăng, lượng mưa giảm trong các tháng mùa khô và tăng lên các tháng mùa mưa đã, đang và sẽ làm cho những đợt thiên tai hạn hán và lũ lụt ngày càng khắc nghiệt hơn đối với tỉnh.

* Tài nguyên nước dưới đất:

Theo kết quả nghiên cứu tài nguyên nước dưới đất tỉnh Bình Thuận được chia ra 2 tầng chứa nước lỗ hổng, 4 tầng và đới chứa nước khe nứt, các thành tạo địa chất rất nghèo nước và không chứa nước như sau:

- Các tầng chứa nước lỗ hổng, gồm:
+ Tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Holocen (qh).
+ Tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Pleistocen (qp).
- Các tầng và đới chứa nước khe nứt, gồm:
+ Tầng chứa nước khe nứt trong đá phun trào bazan Pliocen - Pleistocen β(n2-qp).
+ Tầng chứa nước khe nứt trong đá trầm tích Pliocen (n2) .
+ Tầng chứa nước khe nứt trong đá trầm tích Jura giữa (j2).
+ Đới chứa nước trong các đứt gãy kiến tạo (F).
* Kết quả đánh giá trữ lượng có thể khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận cho thấy diện tích phân bố các tầng nước nhạt khoảng 4.080,7 km2, trữ lượng có thể khai thác 652.290 m3/ngày đêm.


Tình hình quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh:

Đối với công tác quản lý tài nguyên nước; trong thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai các nội dung:

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện nhiều văn bản về tài nguyên nước, hiện nay 07 văn bản còn hiệu thực thi hành. Ngoài ra còn ban hành nhiều văn bản cá biệt để áp dụng.
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cấp phép cho hơn 300 công trình khai thác, sử dụng nước để phục vụ sản xuất, sinh hoạt và các mục đích khác.
- Về quy hoạch tài nguyên nước; điều tra cơ bản Tài nguyên nước: Từ năm 2005 đến nay đã triển khai hoàn thành 11 Dự án liên quan đến tài nguyên nước. Đang tiếp tục triển khai 05 dự án.
- Về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên nước: Từ năm 2005 đến nay đã tổ chức và phối hợp tổ chức khoảng 40 đợt tuyển truyền, tập huấn, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước.
- Về thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm pháp luật về tài nguyên nước: Từ 2005 đến nay đã tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm tra, phúc tra hơn 20 đợt với hơn 800 lượt tổ chức, cá nhân.
Ngoài ra, công tác thẩm định, phê duyệt tiền cấp khai thác Tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh được thực hiện đúng quy định.


 Công tác quản lý, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống mưa, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn.

Tính đến tháng 10/2022, đã có 54 công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp phép cho các tổ chức, cá nhân để sử dụng cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh với tổng lư lượng khai thác lớn nhất khoảng 81.000 m3/ngày đêm. Trong đó:

- Khai thác, sử dụng nước mặt: 25 công trình với tổng lưu lượng 66.790 m3/ngày đêm. Cụ thể địa bàn các huyện:

+ Huyện Bắc Bình 10 công trình với tổng lưu lượng 16.450 m3/ngày đêm.
+ Huyện Hàm Thuận Bắc 03 công trình với tổng lưu lượng 22.600 m3/ngày đêm.
+ Thành phố Phan Thiết 01 công trình với lưu lượng 1.000 m3/ngày đêm.
+ Huyện Hàm Thuận Nam 03 công trình với tổng lưu lượng 7.000 m3/ngày đêm.
+ Huyện Tánh Linh 05 công trình với tổng lưu lượng 3.740 m3/ngày đêm.
+ Huyện Đức Linh 01 công trình với tổng lưu lượng 3.000 m3/ngày đêm.
+ Huyện Hàm Tân 03 công trình với tổng lưu lượng 5.000 m3/ngày đêm.
+ Thị xã La Gi 01 công trình với tổng lưu lượng 8.000 m3/ngày đêm.

- Khai thác, sử dụng nước dưới đất: 29 công trình với tổng lưu lượng 14.2100 m3/ngày đêm. Cụ thể địa bàn các huyện:

+ Huyện Bắc Bình 07 công trình với tổng lưu lượng 3.170 m3/ngày đêm.
+ Huyện Hàm Thuận Bắc 04 công trình với tổng lưu lượng 3.040 m3/ngày đêm.
+ Thành phố Phan Thiết 05 công trình với tổng lưu lượng 3.470 m3/ngày đêm.
+ Huyện Hàm Thuận Nam 04 công trình với tổng lưu lượng 1.200 m3/ngày đêm.
+ Huyện Hàm Tân 01 công trình với tổng lưu lượng 480 m3/ngày đêm.
+ Huyện Tánh Linh 01 công trình với lưu lượng 100 m3/ngày đêm.
+ Huyện Đức Linh 01 công trình với tổng lưu lượng 200 m3/ngày đêm.
+ Huyện Phú Quý 06 công trình với tổng lưu lượng 2.550 m3/ngày đêm.
* Về công tác quản lý, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước của các công trình cấp nước tập trung:

- Đối với công quản lý khai thác, sử dụng nước:

Sở Tài nguyên và Môi trường là đơn vị được Ủy ban nhân dân tỉnh giao quản lý việc khai thác, sử dụng nước tại các công trình. Hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai kiểm tra, giám sát, yêu cầu các chủ công trình thực hiện việc giám sát mực nước, lưu lượng, chất lượng nước tại công trình khai thác và tổng hợp kết quả quan trắc, báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi. Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang triển khai công tác giám sát tự động, trực tuyến cho các công trình khai thác, sử dụng nước để kết nối vào hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước để quản lý. Các chủ công trình phải có các giải pháp bảo vệ nguồn nước tại khu vực khai thác; dự phòng các giải pháp xử lý nếu sự cố xảy ra. Phối hợp với Cục thuế tỉnh rà soát, đánh giá việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính về tài nguyên nước (thuế tài nguyên và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước).

- Đối với việc bảo vệ nguồn nước tại các công trình:

Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai Dự án “Lập, quản lý vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”. Dự án đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kết quả thực hiện tại Quyết định số 1354/QĐ-UBND ngày 13/6/2022.

Kết quả thực hiện Dự án đã xác định cụ thể phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt đối với các công trình khai thác nước mặt (cự ly về phía thượng lưu, hạn lưu đối với các công trình khai thác nước từ sông suối hoặc diện tích lòng hồ đối với các công trình khai thác nước từ hồ). Đối với công trình khai thác nước dưới đất xác định phạm vi xung quanh tính từ miệng giếng khoan, giếng đào.

Qua việc xác định hành lang khu vực lấy nước sinh hoạt, Sở Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu các chủ công trình bảo vệ nguồn nước do mình trực tiếp khai thác, sử dụng; theo dõi, giám sát các hoạt động trong vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình. Trường hợp phát hiện hành vi gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm, không bảo đảm an toàn cho việc khai thác nước và các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên nước khác trong phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước thì phải kịp thời ngăn chặn, đồng thời báo cáo ngay đến chính quyền địa phương nơi gần nhất để xử lý.

Thực hiện: Trung tâm Truyền thông TNMT