Tài nguyên nước

Hợp tác quốc tế trong quản lý, bảo vệ nguồn nước

09:23, 31/10/2022
Tài nguyên nước của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào việc bảo vệ, khai thác, sử dụng nước của các quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Lào, Campuchia và Thái Lan. Trong những năm gần đây cùng với sự phát triển kinh tế xã hội đã nảy sinh một số tranh chấp, mâu thuẫn tài nguyên nước tại các lưu vực sông xuyên biên giới của Việt Nam. Hợp tác chia sẻ nguồn nước luôn đối mặt với các thách thức, được thể hiện rõ nhất qua việc chia sẻ nguồn nước giữa các quốc gia thuộc lưu vực sông Mê Công, đặc biệt với Trung Quốc ở thượng nguồn lưu vực sông Hồng-Thái Bình, vốn là hai lưu vực sông lớn nhất nước ta, cũng là hai lưu vực tầm cỡ ở Đông Nam Á.
 
1
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 7 ngày 9/9 theo hình thức trực tuyến. (Ảnh: TTXVN)

Đối với lưu vực sông Hồng-Thái Bình, Trung Quốc chiếm gần một nửa diện tích lưu vực sông ở phần thượng lưu, lượng dòng chảy hằng năm sản sinh trên lãnh thổ Trung Quốc khoảng 38% tổng lượng dòng chảy toàn lưu vực sông. Việc Trung Quốc đã cho vận hành rất nhiều nhà máy thủy điện, các đập dẫn và kênh dẫn nước, hồ chứa có tổng dung tích lớn... đã làm thay đổi lớn đến lượng nước, chế độ dòng chảy, chất lượng nước, phù sa của sông Đà, sông Thao, sông Chảy, sông Lô trước khi đổ vào nước ta. Tuy nhiên, việc hợp tác với Trung Quốc mới dùng lại ở mức trao đổi một ít số liệu, còn số liệu, quy trình sử dụng nước là chưa thực hiện được, vì vậy, đây là một thách thức rất lớn trong việc đánh giá tổng thể nguồn nước lưu vực sông Hồng-Thái Bình.

Đối với lưu vực sông Mê Công, hiện nay, chỉ có 4 nước trên lưu vực là Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam tham gia Hiệp định Mê Công năm 1995, là thành viên của Ủy hội sông Mê Công quốc tế, còn 2 nước Trung Quốc và Myanmar mới chỉ là đối tác đối thoại, chưa phải là thành viên của Ủy hội.

Bên cạnh đó, vấn đề cần quan tâm nữa là các quốc gia có chung nguồn nước với Việt Nam vẫn chưa tham gia Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy 1997 thì các quy định của Công ước chưa thể được áp dụng để giải quyết các vấn đề phát sinh trong khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước giữa Việt Nam với các nước có chung nguồn nước. Trong khi đó, thời gian gần đây, các quốc gia ở thượng nguồn có chung nguồn nước với Việt Nam đều tăng cường khai thác lợi ích từ nguồn nước liên quốc gia cho phát triển kinh tế - xã hội và các xung đột lợi ích giữa các quốc gia thượng nguồn với hạ nguồn trong việc khai thác, sử dụng nguồn nước liên quốc gia ngày càng rõ nét, đang làm hạn chế khả năng các quốc gia trong khu vực cùng tham gia Công ước.

Đóng góp vào các cơ chế hợp tác khu vực sông Mekong

Việt Nam đã liên tục đóng góp vào thành công của các cơ chế hợp tác khu vực sông Mekong bằng cách tích cực đề xuất và thực hiện các sáng kiến, tham gia soạn thảo các văn kiện chính, và phân bổ nguồn lực để hỗ trợ các dự án chung.
 
Tháng 3/2018, Việt Nam đã đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 10 về Khu vực Tam giác Phát triển và Hội nghị Thượng đỉnh Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6, cùng với sự kiện bên lề là Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh GMS. Tiếp theo sự hoàn tất báo cáo Nghiên cứu của MRC về Quản lý và Phát triển bền vững sông Mekong, bao gồm cả báo cáo Tác động của các Dự án Phát triển Thủy điện (còn gọi là báo cáo Nghiên cứu Hội đồng) vào năm 2017, nhiều cuộc họp đã được tổ chức giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban sông Mekong Quốc gia Việt Nam, các đại diện từ những tổ chức phi chính phủ quan trọng, các đối tác phát triển, giới nghiên cứu và các tổ chức xã hội dân sự.
 
Năm 2020, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã đề xuất việc kiểm toán môi trường về quản lý nước trên lưu vực sông Mekong. Được bắt đầu thực hiện từ tháng 3/2021, cuộc kiểm toán đã đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc liên quan đến việc sử dụng, quản lý và bảo vệ tài nguyên nước ở lưu vực sông Mekong. Hai quốc gia thượng nguồn - Myanmar và Thái Lan - đã đồng ý tham gia sáng kiến này.
 
Về việc chia sẻ dữ liệu, vào tháng 11/2018, Trung tâm Vũ trụ Quốc gia Việt Nam đã ký một biên bản ghi nhớ với MRC về việc sử dụng dữ liệu vệ tinh từ hệ thống Vietnam Data Cube trong việc giám sát, đánh giá nguồn nước và các nguồn tài nguyên khác trên lưu vực sông Mekong.
 
Tại các cuộc họp được tổ chức theo cơ chế hợp tác nội khối, các quan chức Việt Nam đã nêu bật tình hình nguy cấp của đồng bằng sông Mekong đồng thời kêu gọi các nước thành viên hợp tác trong quản lý tài nguyên nước và thúc đẩy phát triển bền vững trong khu vực.
 
Đơn cử tại Hội nghị thượng đỉnh MRC lần thứ 3 năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi đó đã nêu ra các vấn đề an ninh nguồn nước ở khu vực sông Mekong và kêu gọi thực hiện hiệu quả các quy định của MRC, cũng như các cơ chế hợp tác quản lý tài nguyên nước và chia sẻ dữ liệu minh bạch giữa các quốc gia dọc theo sông Mekong.
 
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mekong-Lan Thương (MLC) lần thứ 6 vào tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã ủng hộ việc chia sẻ dữ liệu, tiến hành các nỗ lực chung trong việc quản lý tài nguyên nước, và phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ chế hợp tác khác.
 
Sự tham gia tích cực của Việt Nam vào các cơ chế này cho thấy Việt Nam không chỉ coi trọng lợi ích quốc gia mà còn coi trọng triển vọng phát triển bền vững của khu vực. Cách tiếp cận này trung thành với một nguyên tắc cốt lõi của ngoại giao nguồn nước, tức là không chỉ là việc quản lý tài nguyên nước mà còn là một phương tiện để đạt được mục tiêu dài hạn rộng lớn hơn là cải thiện an ninh, ổn định và thịnh vượng của khu vực.


Thực hiện: Trung tâm Truyền thông TNMT